Lượt xem: 1.682

CÓ SAI LẦM KHÔNG
KHI LÀ MỘT GIÁO VIÊN MỘNG MƠ?

pexels-micah-eleazar-10498800

Những người xung quanh hay nói tôi là một giáo viên “mộng mơ”, “chưa trưởng thành” so với số năm kinh nghiệm làm nghề trong môi trường giáo dục thực tế tại Việt Nam. Thực ra, “mộng mơ” và “trưởng thành” không phải hai phạm trù đối lập nhau. Tôi vẫn luôn tham vọng trải nghiệm được những buổi học lý tưởng, luôn mơ về một môi trường nơi học sinh cảm nhận được VẺ ĐẸP của từng môn học trên ghế nhà trường; trong khi kinh nghiệm thực tế vẫn mài giũa cho suy nghĩ ngày càng trưởng thành hơn và tôi nhận thức rõ ràng những điều “tồn tại” hiện hữu của nền giáo dục.

Tôi tin vào nét đẹp của môi trường học đường phổ thông, về những dòng kiến thức hữu ích và những nỗ lực ngày đêm đầy ý nghĩa của Thầy và Trò qua từng năm học. Do vậy, tôi cho rằng người giáo viên luôn có thể nhìn thấy được những “tia sáng” đầy ý nghĩa và rất hay ho để mỗi ngày thức dậy, mỗi năm trôi qua, mình đều có thể nhìn vào công việc và sự nghiệp mình đã chọn một cách đầy tự tin và phấn khởi.

=======================

Sau đây là 3 điều mà một giáo viên có thể tự tin mộng mơ mà không bị ảnh hưởng bởi những điều tạm gọi là “tiêu cực” hoặc những “tồn tại” trong thực trạng giáo dục hiện tại:

MỘNG MƠ 1: Làm sao để bản thân mình trở thành giáo viên sáng tạo hơn?.
Thực tế cho thấy, mỗi học sinh đều có nhu cầu học tập và tiếp thu kiến thức theo cách của riêng mình; do vậy người giáo viên phải luôn đầu tư suy nghĩ mỗi ngày xem làm thế nào để giảng dạy và truyền đạt kiến thức theo cách dễ hiểu nhất, và lại khiến cho các em học sinh mở lòng ra với mình, phát triển tinh thần tự giác học tập. Tôi luôn coi thao tác suy nghĩ này vừa là một THỬ THÁCH THÚ VỊ, vừa là một NÉT ĐẸP của nghề giáo. Môi trường càng “khó” (học sinh không hợp tác, đồng nghiệp không phối hợp, lương bổng chưa thoả đáng, chương trình giáo khoa thay đổi v.v…) thì dưới góc nhìn tích cực, đây có thể coi là những “nhiên liệu” cần thiết để kích thích sự sáng tạo của giáo viên.

MỘNG MƠ 2: Có cách nào để mình phát triển kỹ năng chuyên môn thật xuất sắc không? 
Khi công tác tại các trường học hoặc trung tâm đào tạo, giáo viên có dịp tiếp xúc với các đồng nghiệp khác. Tôi biết rằng nhiều Cô Thầy nói riêng và nhiều người nói chung không có tâm lý ganh đua và chỉ muốn an phận làm việc, hoàn thành tròn nhiệm vụ của mình là được. Tuy nhiên, cũng không có hại gì nếu người giáo viên tận dụng cơ hội để tạo ra một chút áp lực có ích cho bản thân: hãy nhìn vào kết quả của các lớp cùng khối, có trình độ không quá chênh lệch mà các giáo viên khác đang phụ trách – để xem kết quả kiểm tra định kỳ (1 tiết, học kỳ) của các lớp đấy như thế nào, và lấy sự so sánh làm động lực phát triển chuyên môn. Nếu so sánh quá trớn và bị ám ảnh từng giây phút bởi kết quả, thành tích, thì đấy là áp lực tiêu cực. Nhưng nếu người giáo viên biết tận dụng sự so sánh và cảm giác kích thích để biến thành động lực phấn đấu (mình giảng dạy thế nào để HS nhanh hiểu bài, mình chọn lựa bài tập thế nào để HS không quên bài, mình thiết kế bài giảng ra sao để HS đạt phong độ tốt nhất vào ngày thi v.v…) – thì tôi cho rằng đây là một dạng áp lực tích cực. Một sự cạnh tranh công bằng, khách quan, mang tính chuyên môn cao, và người hưởng lợi cuối cùng là học sinh; đây là một điều rất xứng đáng để mộng mơ, Cô Thầy có nghĩ vậy không?  

MỘNG MƠ 3: Mình đã xây dựng được hình ảnh giáo viên uy tín trong mắt học sinh chưa?
Bất kể môi trường cuộc sống bên ngoài hoặc thực trạng công tác, dù tích cực, tươi đẹp hay khó khăn và tràn đầy tiêu cực, thì hình ảnh của người giáo viên trong mắt mỗi học sinh là điều mà mỗi Cô Thầy đều có khả năng kiểm soát toàn diện. Dù giáo viên là người hướng nội hay hướng ngoại, hoặc thuộc phong cách nào trong 04 phong cách dạy học, thì mỗi Cô Thầy đều có thể chủ động kiểm soát được 03 yếu tố: ứng xử công bằng với mọi học sinh + nhận xét và cho điểm mang tính khích lệ và tạo động lực cao + thể hiện “lửa” nhiệt huyết trong bài giảng và sự cảm thông, đồng cảm với đời sống tinh thần của học sinh. Ở đây, tôi nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, 03 điều trên (công bằng + khích lệ + nhiệt huyết + đồng cảm) là những điều mà người giáo viên có thể hoàn toàn chủ động kiểm soát, và rất nên kiểm soát mạnh mẽ trong từng lời nói, cử chỉ của mình, để thực sự tạo nên một hình ảnh giáo viên uy tín và toả sáng trong mắt học sinh. Khi người giáo viên làm được điều này, có một khả năng rất cao là các em học sinh sẽ mở lòng ra và có sự tôn trọng ngày một cao hơn với giáo viên. Đó hoàn toàn là một đích đến mà mỗi giáo viên đều có thể mộng mơ, Cô Thầy có đồng ý không?

=============================

(ghi chú: tôi biết rằng dùng chữ “tồn tại” thì bị sai ngữ pháp tiếng Việt, vì “tồn tại” là một động từ chứ không phải danh từ. Tuy nhiên tôi chưa nghĩ ra từ vựng nào hay hơn trong tình huống này. Rất mong Cô THầy nào có dịp dạo qua đây, nhìn thấy bài viết này, hãy giúp tôi sửa lại một từ mới cho phù hợp nhé) 

Huỳnh Khôi (05/03/2023) 

 

Xem các bài viết khác của tôi: tại đây

Xem các video của tôi: tại đây

Khoá học: CẨM NANG DẠY HỌC
Xem chi tiết tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *