
Một giáo viên giỏi là một bậc thầy trong việc CÂN BẰNG giữa một kế hoạch bài dạy (giáo án) lý tưởng và sự điều chỉnh liên tục giáo án đó cho phù hợp với nhu cầu và trình độ của học sinh của nhiều lớp khác nhau. Đây là một thao tác khó khăn, chúng ta có thể ví như hình ảnh của một nghệ sĩ xiếc đang đi trên dây mỏng mà không có dụng cụ bảo hộ; một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến hậu quả nặng nề là cả một lớp vài chục học trò bị “lủng” kiến thức hoặc không đủ kỹ năng và kiến thức để làm được bài kiểm tra cuối khoá.
Theo tôi, đây vừa là một “thao tác suy nghĩ” khiến giáo viên cực kỳ căng thẳng trong từng buổi học cũng như trong suốt học kỳ, nhưng cũng vừa là một “đỉnh cao để chinh phục” khiến cho nghề dạy trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Ở góc nhìn ngược lại, giáo viên nào (dù kinh nghiệm ít hay nhiều) mà chưa từng có sự trăn trở này, thì theo tôi, là một người cứng ngắc và hoàn toàn không có cái tâm trong việc giảng dạy.
===================
Thường khi bàn đến sự cân bằng này, đa số Cô Thầy đều nghĩ đến việc linh động về tốc độ bài giảng cũng như độ khó của bài học. Nhưng trong bài viết này, tôi muốn bàn đến về Nội Dung Bài Giảng, nói cách khác, chính là số lượng bài học mà giáo viên truyền tải đến học sinh.
Tư duy số một: DẠY TRỌN VẸN
Dạy trọn vẹn, dưới góc nhìn lý thuyết, thì dễ áp dụng. Giáo viên bộ môn chỉ cần dựa theo phân phối chương trình của toàn học kỳ rồi căn chỉnh lại cho phù hợp với tổng số lượng tiết dạy mà mình có cho một lớp bất kỳ. Sau đấy thì soạn giáo án sao cho cân bằng được giữa lý thuyết và thực hành, miễn sao đến những cột mốc thử thách (kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ) thì học sinh đã nắm hoàn toàn TẤT CẢ chủ điểm kiến thức được quy định.
Tuy nhiên, khi xem xét thực tế ở hai yếu tố là: SỐ LƯỢNG HỌC SINH trong một lớp rất đông, và THỜI LƯỢNG được phân bổ trên lớp không đủ nhiều đối với môn học, thì việc cố gắng dạy cho hết chương trình như trên sẽ tạo nên “áp lực chỉ tiêu” không đáng có đối với giáo viên. Áp lực này có thể dẫn đến tình trạng dạy học cho nhanhnhưng không đảm bảo được toàn bộ học sinh đều nắm được bài, nhất là những em có học lực trung bình hoặc yếu sẽ cần nhiều thời gian hơn để thẩm thấu kiến thức. Ở đây không phải là các Cô Thầy không quan tâm đến việc học sinh có hiểu bài hay không, nhưng tôi biết rằng thực tế không cho phép Cô Thầy tìm ra thêm được thời gian và điều kiện để hỗ trợ các em – do vậy không tránh khỏi nhiều tình huống bất cập (sống chết mặc bay, học trên lớp không hiểu thì lại đi học thêm, mà học thêm thì cũng nhồi nhét tương tự, rồi bản thân các em lại bị căng thẳng và khả năng tiếp thu kiến thức lại bị kém đi …)
Theo tôi, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn tư duy DẠY TRỌN VẸN của các giáo viên chính là môi trường. Ở những môi trường có tính lý tưởng cao (hay trong nghề chúng ta hay gọi là “dễ dạy”), nơi mà học sinh có tinh thần tự học cao, trật tự trong lớp, ít quậy phá, thái độ tốt, học lực nền tảng đa phần là tốt … – thì có lẽ việc DẠY TRỌN VẸN sẽ là một thử thách rất hay ho và giúp giáo viên phát triển được kỹ năng học thuật và kiểm soát lộ trình lớp học của cả một học kỳ hiệu quả. Ngược lại, trong một số môi trường gọi nôm na là “khó”, nơi giáo viên phải quản lớp trước khi dạy được lớp (có lúc tiết học 45 phút nhưng giao viên phải giữ trật tự lớp gần 20 phút) – thì thời gian để DẠY TRỌN VẸN là cả một vấn đề to lớn, nếu không nói là không thể.
Tư duy số hai: DẠY TÚM CHẶT
Trước tiên, nhiều Cô Thầy hoặc các nhà nghiên cứu giáo dục sẽ gọi tư duy này là không mô phạm; bởi lẽ, tinh thần của Bộ giáo dục luôn là giáo viên không tự ý cắt bỏ đi bất cứ bài học nào trong phân phối chương trình (trừ những bài đã được thông báo giảm tải), để đảm bảo quyền lợi thực tế (đi thi) và quyền lợi kiến thức cho tất cả học sinh. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này.
Tuy nhiên, tôi vẫn hướng về tư duy DẠY TÚM CHẶT nhiều hơn,
có lẽ phần nào do tôi có dịp công tác tại nhiều môi trường “khó”, nơi mà yếu tố quyết định là học lực của các em học sinh chưa được chắc chắn. Điều này khiến mục tiêu truyền tải hoàn toàn và tròn vẹn tất cả (hoặc thậm chí chỉ đa số) chủ điểm kiến thức là điều gần như rất khó. Do vậy tôi chọn tư duy DẠY TÚM CHẶT sau khi cân nhắc rất kỹ về các chi phí cơ hội.
VÍ DỤ: trong một tiết học có quỹ thời gian là 45 phút thì tôi lựa chọn việc cho học sinh thực hành nhiều lần giải bài tập để thực sự quen và thành thục cách giải bài; sẽ tốt hơn là dạy tiếp bài mới để rồi đối mặt với nguy cơ học sinh quên luôn cả bài cũ lẫn bài mới. Khi đi ra thực tế mới thấy, với số lượng môn học và số lượng tiết học trong một ngày (có lớp học hơn 10 tiết học / ngày), thì một em học sinh sẽ quên càng ngày càng nhiều và tốc độ quên bài của các em sẽ ngày một nhanh hơn. Do vậy giáo viên không thể tự tin rằng việc ôn bài là việc mà học sinh sẽ tự làm được ở nhà; mà bản thân chúng ta phải tận dụng nhiều thời gian trên lớp để giúp các em ôn đi ôn lại liên tục. (bổ sung: còn cách mà mỗi GV thúc đẩy các em học bài, nhớ bài, làm bài – thì lại là một chủ đề khác.)
Tư duy của tôi: KẾT HỢP
Tôi kết hợp như thế này:
Theo tôi, kết hợp như thế này là cách ổn, để đảm bảo giáo viên có sự kiểm soát tốt nhất về chất lượng lớp học, đồng thời có sự chủ động trong cách lựa chọn hoạt động học tập ở từng thời điểm cụ thể của học kỳ.
Video của tôi về chủ đề này: TẠI ĐÂY.
Các bài viết khác: tại đây.
Huỳnh Khôi (14/02/2023)
Khoá học: CẨM NANG DẠY HỌC
Xem chi tiết tại đây
2 bình luận trong “Định hướng chiến lược dạy học”